Trang chủ Nhịp sống học đường

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quận Ba Đình và các cách phòng tránh

16/08/2023
Hiện nay tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết trên địa bàn quận Ba Đình có sự gia tăng, tính đến ngày 16/08/2023 trên địa bàn quận có tổng số 59 ca bệnh và 8 ổ dịch. Có 13/14 phường có ca bệnh lưu hành, đặc biệt tại một số phường có những ổ dịch với tính chất phức tạp, kéo dài.

1. Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút Dengue gây ra và muỗi vằn (Acdes Acgypti) là trung gian truyền bệnh . Muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sang đốt người lành và người lành mang bệnh. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 11. Bệnh sảy ra ở mọi lứa tuổi.


2. Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết:

– Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.
– Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như: chảy máu chân răng, chảy máu mũi, phụ nữ có thể ra máu âm đạo, thậm chí có thể gây xuất huyết nội tạng gây ra tử vong.
– Thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.


3. Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện:

– Sốt cao đột ngột 39 -40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, uống thuốc hạ sốt, sốt giảm vài giờ sau sốt cao trở lại.
– Đau đầu dữ dội ở vùng trán, đau hốc mắt, đau người, các khớp, buồn nôn, phát ban.
– Xuất huyết: Xuất huyết có sau sốt vài ngày, biểu hiện bằng các hình thức như xuất huyêt dưới da, da có những chấm đỏ, ấn không mất, hoặc Xuất huyết tự nhiên như chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi tiêu ra phân đen v.v
– Trẻ sốt được 5-7 ngày thì sốt giảm và sốc xuất hiện làm trẻ bị trụy tim mạch rồi tử vong. Trước khi trẻ bị sốc , trẻ có các dấu hiệu báo trước như:
– Vật vã bức rức hoặc li bì mê sảng.
– Đau bụng nhiều, tay chân lạnh và rịn mồ hôi.
– Da đổi sắc bầm bầm , môi tím tái. Tiểu ít hơn bình thường.
Khi thấy các dấu hiệu báo trước này, cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở Y tế để được điều trị kịp thời.


4. Cần làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết.

Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết cần đưa ngay người ốm đi khám bệnh. Tuyệt đối không tự uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, không cạo gió, không kiêng ăn, không nhịn uống… Cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế ngay nếu thấy có một trong những dấu hiệu sau: ngủ li bì hoặc quấy khóc (trẻ em); nôn nhiều; đau bụng nhiều; xuất huyết; tay chân lạnh;…


5. Các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.


– Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh.

– Bệnh lây truyền qua muỗi vằn. Muỗi vằn đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước trong, sạch như: chum, vại, các vật dụng phế thải có chứa nước như gáo dừa, lon sữa bò, lốp xe v.v.. Muỗi vằn mỗi lần đẻ 10 đến 78 trứng, trứng sẽ nở thành lăng quăng, sau đó thành nhộng rồi thành muỗi trưởng thành.
Do đó diệt lăng quăng là cách phòng Sốt xuất huyết dễ làm, rẻ tiền, ít độc hại. Vì vậy để phòng bệnh chúng ta cần thực hiện các khuyến cáo sau:
Phát quang cây cỏ rậm rạp chung quanh nhà, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ để tránh muỗi có nơi trú ẩn.
– Khi ngủ cần ngủ trong mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi chích, tránh ngủ nơi nơi ẩm ướt, thiếu ánh sáng.
– Diệt muỗi và tránh muỗi chích bằng cách sử dụng nhang diệt muỗi, thuốc diệt muỗi, vợt điện bắt muỗi hoặc bôi kem chống muỗi đốt…
– Không để muỗi có nơi sinh sản bằng cách chúng ta dọn dẹp các vật dụng có chứa nước đọng ở chung quanh nhà như vỏ đồ hộp, mảnh sành, lốp xe, máng xối nước có đọng lá cây ẩm, bình cắm hoa…
– Các vật chứa nước sinh hoạt hằng ngày như: Chum, vại, bể chứa nước cần đậy nắp kín hoặc được cọ rửa tuần /1 lần để diệt trứng muỗi và lăng quăng. Nếu bể nước, hồ nước không súc rửa hàng tuần được cần thả cá bảy màu để diệt lăng quăng. Đối với chén nước ở các chân tủ thức ăn phải cho ít muối vào để diệt trứng muỗi và lăng quăng./.

Trung tâm y tế quận Ba Đình
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 2 đánh giá
Chia sẻ: