Trang chủ Trang chủ

Giới thiệu sách tháng 10 - Chào mừng ngày giải phóng Thủ đô

10/10/2023
Trong suốt chiều dài dựng nước giữ nước của dân tộc, Thăng Long Hà Nội chứng kiến bao thăng trầm và cũng là nơi khiến nhiều thế lực ngoại xâm hùng mạnh phải cúi đầu khuất phục trước sức mạnh của lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình của dân tộc dân tộc Việt Nam.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được kí kết, các hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được kí kết ngày 30/09/1954 và ngày 02/10/1954 tại Ủy ban liên hợp đình chiến Trung ương, chính phủ đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản thành phố. Theo nghị quyết ngày 17/09/1954 của Hội đồng chính phủ, ủy ban quân chính thành phố Hà Nội được thành lập, thiếu tướng Vương Thừa Vũ tư lệnh sư đoàn Quân tiên phong làm chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm phó chủ tịch.

Ủy ban quân chính có nhiệm vụ tiếp thu và quản lí thành phố. Sư đoàn quân tiên phong đã được Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội. Theo kế hoạch đã định sáng ngày 08/10/1954 các đơn vị quân đội chia nhiều đường tiến vào ngoại thành Hà Nội. Đến 16h30 thì tiến đến đường Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy và Nhật Tân. Từ sáng ngày 09/10 quân đội Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội lặng lẽ sang phía Bắc cầu Long Biên. Quân Pháp rút đến đâu bộ đội ta tiến vào tiếp quản tới đó.

Ngày 09/10/1954: 6h sáng bộ đôi ta theo nhiều đường từ ngoại thành tiến vào nội thành chia nhiều cánh quân tiến vào 5 cửa ô rồi từ đó tỏa đi các nơi. Lần lượt bộ đội tiếp thu nhà Ga, phủ toàn quyền, khu đồn thủy, khu bờ hồ, phủ thống sứ.

16h giờ 30 phút quân đội ta hoàn toàn kiểm soát Thành phố Hà Nội. Bộ đội tiến đến đâu nhân dân đổ ra 2 bên đường phất cờ, tung hoa reo mừng không ngớt, cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố, cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên khắp các tầng nhà.

Sáng ngày 10/10/1954 Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn 308 tiến vào giải phóng Hà Nội trong rừng cờ hoa rực rỡ, hàng vạn người dân tràn ra đường rạo rực trong ngày hội lớn chào đón toàn quân chiến thắng trở về sau 9 năm trường kì kháng chiến chống thực dân pháp.

8 giờ 45 phút cánh quân phía Nam xuất phát từ phía Việt Nam học giá tiến qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh Hồ Gươm rồi vòng lại chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Đồn Thủy và đấu xảo.

9 giờ 30 phút đoàn cơ giới và pháo binh xuất phát từ Bạch Mai qua phố Bạch Mai, phố Huế. 10 giờ 05 phút đến Bờ Hồ qua hàng Đào, hàng Ngang, chợ Đồng Xuân rẽ sang đường cửa bắc tiến vào thành lúc 10 giờ 45 phút.

15 giờ còi Nhà hát lớn Thành phố nổi lên một hồi dài, mấy chục vạn nhân dân Hà Nội đã trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban quân chính tổ chức tại Sân vận động cột cờ. Sau lễ chào cờ chủ tịch Ủy ban quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào thủ đô nhân ngày giải phóng.

Ngày 10/10/1954 Hà Nội sạch bóng quân thù. Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng, sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa cực kì to lớn, mở ra một thời kì mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long đông đô Hà Nội.

Mảnh đất ngàn năm văn hiến bước sang một trang mới nhân dân lao động đứng lên làm chủ vận mệnh của mình và phấn khởi đi vào xây dựng xã hội mới. Năm 1999 UNESSCO đã vinh danh Hà Nội là Thành phố vì Hòa bình. Năm 2019 UNESSCO ghi danh Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo. Đảng và Nhà nước ta đã ba lần tặng thưởng cho Thủ đô Hà Nội Huân chương sao vàng vào các năm 1994, 2004, 2010 và danh hiệu thành phố anh hùng vào năm 2000.

Hòa chung với không khí đó Thư viện trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám  trân trọng giới thiệu đến các thầy cô giáo và các bạn cuốn sách: “Hà Nội 36 Phố phường”, của Tác giả Thạch Lam.

Thạch Lam (1910 - 1942), tên thật là Nguyễn Tường Lân, sinh tại Cẩm Giàng, Hải Dương. Ông là cây bút tiêu biểu thuộc nhóm Tự lực văn đoàn. Tập bút kí “Hà Nội băm sáu phố phường”, Theo Thạch Lam: “Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải. Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu”. Với người Việt Nam, ta tự hào khi có Hà Nội.

Cuốn sách mỏng, xinh xắn nhưng cho đến nay, khi người ta nói đến Hà Nội và những tác phẩm thể hiện được tinh hoa, vẻ đẹp của Hà Nội thì người ta vẫn nhắc đến Hà Nội 36 phố phường.


          Cuốn sách gồm 20 chương:
Chương 1: Những Biển Hàng
Chương 2: Người Ta Viết Chữ Tây
Chương 3: Hàng Mứt, Hàng Đường, Hàng Muối Trắng Tinh
Chương 4: Quà Hà Nội
Chương 5: Vẫn Quà Hà Nội
Chương 6: Phụ Thêm Vào Phở
Chương 7: Bổ Khuyết
Chương 8: Bún Sườn Và Canh Bún
Chương 9: Còn Quà Hà Nội
Chương 10: Những Thứ Chuyên Môn
Chương 11: Bánh Đậu
Chương 12: Bánh Khảo, Kẹo Lạc
Chương 13: Một Thứ Quà Của Lúa Non: Cốm
Chương 14: Quà ... Tức Là Người
Chương 15: Vài Thứ Chuyên Môn Nữa
Chương 16: Những Chốn Ăn Chơi
Chương 17: Chợ Mát Ban Đêm
Chương 18: Bà Cụ Bán Xôi
Chương 19: Hàng Nước Cô Dần
Chương 20: Các Hiệu Cao Lâu Khách
Với nhiều nhà văn, Thăng Long - Hà Nội là một đề tài vô tận để họ thả hồn mình theo ngòi bút. Từ xa xưa, mảnh đất kinh kì Thăng Long đã đi vào những câu ca dao mê đắm lòng người. Cho đến hôm nay và mãi về sau, chắc chắn sẽ có nhiều tác phẩm nữa ngợi ca vẻ đẹp của Hà Nội.
          Là người Hà Nội, cả cuộc đời sống ở Hà Nội, nhà văn Thạch Lam có cái cảm nhận rất riêng về chốn thủ đô ngàn năm tuổi. Trong tác phẩm “Hà Nội 36 phố phuờng” Ông nhìn Hà Nội không qua con mắt của một nhà nghiên cứu, mà qua con mắt của một nhà thơ, một người yêu Hà Nội như máu thịt. Tất cả Hà Nội hào hoa và thanh lịch, Hà Nội bình dị mà lại quý phái hiện lên dưới ngòi bút miêu tả đặc sắc của nhà văn. Dưới cái nhìn độc đáo của ông, Hà Nội của một thời hiện ra thật thú vị. Nó thú vị ngay từ những chủ đề mà tác giả tìm hiểu. Từ những quán hàng nổi tiếng với những món ăn chơi của nhà giàu cho đến những món ăn vô cùng bình dân nhưng dưới ngòi bút của tác giả, tất cả vẫn hiện lên đầy quyến rũ. Cuốn sách dành phần lớn số trang viết về nét văn hoá ẩm thực của người Hà Nội, đặc biệt là các loại quà Hà Nội. Đây là những trang viết đặc sắc nhất của ngòi bút Thạch Lam. Ông cho rằng: "Quà Hà Nội xưa nay vẫn có tiếng là ngon lành và lịch sự. Bao nhiêu ý tốt, tình hay gửi vào trong một chút quà nơi đô hội, món quà đem đến cho khắp nơi vị sành và trang nhã của ba sáu phố phường".


           Dẫu không phải là một tác phẩm đồ sộ, không chọn ra những chủ đề to tát, song cuốn Hà Nội 36 phố phường của nhà văn Thạch Lam vẫn được nhiều thế hệ độc giả đón nhận một cách trân trọng. Đó không chỉ bởi vì tình cảm với một nhà văn nổi tiếng của đất kinh kì, mà trên hết vì đó là tình yêu vô bờ bến với mảnh đất thủ đô ngàn năm yêu dấu.
          Bởi vậy, qua những dòng văn đầy xúc cảm và tình yêu ấy, tác giả như gửi gắm đến thế hệ đi sau lời khuyên sâu sắc: Dù hội nhập, dù hòa vào quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa hiện nay, con người Tràng An thanh lịch và cả thành phố dấu yêu này hãy cùng lắng lại, giữ trọn lấy những giá trị văn hóa cốt lõi, những tinh hoa của một thời vàng son. Tác phẩm là lời nhắc nhở chúng ta cần chung tay bảo vệ gốc rễ dân tộc, xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp hơn. Hà Nội đẹp khi mỗi người người chúng ta hiểu và gìn giữ vẻ đẹp của mảnh đất này.

Hy vọng cuốn sách nhỏ này sẽ là một món ăn tinh thần bổ ích cho các bạn trong những ngày tháng cả đất nước đang hân hoan đón chào ngày giải phóng Thủ đô. Sách hiện có trong thư viện của trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, các bạn hãy đến tìm đọc hoặc vào trang web cùng bạn đọc sách để hiểu thêm về các phố phường Hà Nội xưa và nay nhé!

Cuối cùng xin kính chúc thầy cô và các bạn luôn mạnh khỏe, chúc một tuần học mới của chúng ta luôn vui vẻ và hiệu quả!

Thư viện trường
Tiểu học Hoàng Hoa Thám
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 2 đánh giá
Chia sẻ:
TIN KHÁC